Chuyển đổi số giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế
Tin tức
Tin tức

Chuyển đổi số giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế

Lợi ích mang lại từ chuyển đổi số

 

Theo nghiên cứu về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 (2020 Asia Pacific SMB Digital Maturity Study), quá trình chuyển đổi số của các DNNVV tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 - 30 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 và góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên một cuộc khảo sát với các DNNVV trên toàn khu vực do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) thực hiện theo sự ủy thác của Cisco. Kết quả nghiên cứu cho thấy các DNNVV với mức độ chuyển đổi số cao được hưởng gấp đôi lợi ích về doanh thu và năng suất so với những doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với quá trình chuyển đổi số.

Các DNNVV là một phần trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, các DNNVV chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối DN này chiếm hơn 95% tổng số DN và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước.

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho biết: "Khối DNNVV là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây là một trong những khối bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Khi Việt Nam tiếp tục vượt qua tình trạng hiện tại, đồng thời hoạt động tiêu dùng và kinh doanh bắt đầu khởi sắc trở lại, việc thực hiện chuyển đổi số của các DNNVV sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Tại Cisco, chúng tôi cam kết hợp tác với các DNVVN nhằm giúp họ vươn lên mạnh mẽ hơn với các giải pháp và chiến lược chuyển đổi số đúng đắn".

 

Dựa trên khảo sát sơ bộ về các DNNVV, nghiên cứu chỉ ra rằng 72% DNNVV tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường. Đây là một bước nhảy vọt so với con số 32% của năm ngoái. Ngoài ra, 72% số DN nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ, trong khi 46% cho biết họ thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ phía khách hàng.

Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi số của các DNNVV có thể đóng góp thêm từ 2,6 - 3,1 nghìn tỷ USD vào GDP của khu vực trong năm 2024. Theo dự báo của IDC, GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng từ 10,6 - 14,6 nghìn tỷ USD. Quá trình chuyển đổi số của các DNNVV có thể chiếm tới 25% mức tăng trưởng đó.

 

Chuyển đổi số giúp DN phục hồi nhanh hơn

 

Các DNNVV cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Theo các DN, việc thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số và những thách thức trong văn hóa công ty là trở ngại lớn nhất mà họ phải đối mặt (16%), tiếp theo là thiếu các công nghệ thiết yếu (12%) và thiếu hiểu biết sâu sắc về khách hàng và dữ liệu hoạt động (12%).

 

Ông Raz Mohamad, Giám đốc Khối DN nhỏ và Thương mại khu vực ASEAN của Cisco, cho biết: "Các DNNVV là trụ cột của các nền kinh tế ASEAN, chiếm hơn 85% tổng số DN và tạo ra nguồn việc làm chính cho khối tư nhân trong khu vực. Tuy đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn trong hoạt động nhưng các DN này cũng có cơ hội vô tiền khoáng hậu có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động mà còn giúp các DN duy trì tăng trưởng trong dài hạn".

 

Tuy nhiên, để các DNNVV có thể tận dụng triệt để công nghệ, tất cả các bên liên quan cần phải làm đúng vai trò của mình. Chính phủ đã tiên phong và đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các DNNVV tại Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số. Các DNNVV cần tận dụng mọi nguồn hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ổn định và phát triển DN sau đại dịch.

"Từ khía cạnh nguồn nhân lực, chương trình học viện mạng Cisco đã đào tạo các kiến thức và kỹ năng CNTT-TT cho gần 44.000 sinh viên tại Việt Nam kể từ khi thành lập. Về mặt công nghệ, chúng tôi đã ra mắt một loạt các sản phẩm và giải pháp dành riêng cho khối DNNVV trong danh mục Cisco Designed và giới thiệu chương trình hỗ trợ tài chính lãi suất 0% cho các khách hàng DNNVV tại Việt Nam", ông Raz Mohamad cho biết thêm.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc mua hoặc nâng cấp phần cứng CNTT và đầu tư vào công nghệ đám mây (18%) là những ưu tiên đầu tư công nghệ hàng đầu của các DNNVV tại Việt Nam, tiếp theo là an ninh mạng (11%).

 

 

"Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà đã trở thành vấn đề sống còn cho các DNNVV. Đại dịch COVID-19 đã buộc các DN chuyển sang ưu tiên chuyển đổi số, trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi của hoạt động kinh doanh. Khi các DNNVV đánh giá lại về quy trình, hoạt động và tương tác với khách hàng, họ sẽ ưu tiên xem xét các dịch vụ đám mây và an ninh mạng, đồng thời tăng cường tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, hội nghị truyền hình và các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI)/phân tích (Analytics). 

Trước sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện thị trường và tốc độ phát triển của công nghệ, các DNNVV nên hợp tác với những đối tác phù hợp trong ngành nhằm đảm bảo có thể tối đa hóa các khoản đầu tư vào công nghệ và phát triển mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số", ông Daniel-Zoe Jimenez, Phó Chủ tịch, Giám đốc nghiên cứu chuyển đổi số & DNNVV của IDC chia sẻ.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng gần 70% số DNNVV của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số do tác động của đại dịch COVID-19. Trong số những DN được hỏi, 86% tin rằng chuyển đổi số sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.

Các DNNVV của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi số

Nghiên cứu về quá trình sẵn sàng chuyển đổi số của DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 đã thu thập và phân tích dữ liệu từ hơn 1.400 DNNVV của 14 thị trường thuộc châu Á – Thái Bình Dương nhằm đánh giá những thách thức và cơ hội mà các công ty đối mặt trong hành trình chuyển đổi số. 14 thị trường bao gồm: Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.

Chỉ số trưởng thành kỹ thuật số của DNNVV bao gồm 04 yếu tố: Chiến lược kỹ thuật số và Tổ chức, Quy trình kỹ thuật số và quản trị, Công nghệ kỹ thuật số, Con người kỹ thuật số và các kỹ năng phù hợp. Mỗi yếu tố nhắm đến một khía cạnh thiết yếu của việc làm chủ kỹ thuật số và có thể được đánh giá độc lập như một thước đo về mức độ sẵn sàng tương đối của một khía cạnh cụ thể của hoạt động và hiệu suất kinh doanh. Từ đó, bản nghiên cứu cung cấp các mục tiêu để các DNNVV hướng đến trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Nghiên cứu cũng phân chia 04 giai đoạn của mức độ sẵn sàng chuyển đổi số bao gồm:

Giai đoạn 1 (Digital Indifferent): DN phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không nỗ lực chuyển đổi số.

Giai đoạn 2 (Digital Observer): DN đã bắt đầu có những nỗ lực chuyển đổi số nhưng những nỗ lực còn rời rạc, nhỏ lẻ.

Giai đoạn 3 (Digital Challenger): DN đã có chiến lược ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và chủ động hơn trước những phản ứng của thị trường.

Giai đoạn 4 (Digital Native): DN đã có chiến lược chuyển đổi số tích hợp và tập trung vào đổi mới liên tục.

Bất chấp những thách thức, các DNNVV của khu vực tiếp tục đạt được những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số. Theo nghiên cứu, 16% số DNNVV hiện đang trong giai đoạn sẵn sàng chuyển đổi số cấp cao (giai đoạn 3 và 4), so với 11% của năm 2019. Hơn một nửa số DNNVV đã thực hiện chuyển đổi số để trở thành Digital Observer (giai đoạn 2). Chỉ có 31% số DNNVV vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và hầu như không có bất kỳ nỗ lực nào cho chuyển đổi số (giai đoạn 1).

 

 

 

Trong khu vực, các DNNVV tại Singapore, Nhật Bản và New Zealand tiếp tục dẫn đầu nhóm Digital Observer, không có thay đổi về thứ hạng so với năm 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Thái Lan đã lần lượt vượt qua Hàn Quốc, Hồng Kông và Malaysia. Các DNNVV tại Indonesia và Việt Nam cũng đang có những bước tiến đáng chú ý.

Nghiên cứu năm nay là phần tiếp theo của nghiên cứu về "Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DNNVV" năm 2019, đánh giá tình hình ứng dụng chuyển đổi số của các DNNVV trên toàn khu vực. Nghiên cứu năm 2020 được thực hiện nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về cách thức các DNNVV có thể tiến bộ như thế nào trên hành trình chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số tới các DNNVV trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Nguồn: ictvietnam